Hướng dẫn kiểm tra và bảo trì khi vận hành nồi hơi

Hướng dẫn kiểm tra và bảo trì khi vận hành nồi hơi

Khi nồi hơi, lò hơi không được kiểm tra và bảo trì đúng cách nó sẽ bị hư hỏng nhanh chóng dẫn đến không đảm bảo công suất và không an toàn khi vận hành nồi hơi. Bằng những kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực kiểm định an toàn lò hơi, nồi hơi. Chúng tôi đưa ra những tiêu chí cần kiểm tra trong công tác bảo trì, bảo dưỡng.

Điều tra các sự cố nồi hơi cho thấy nguyên nhân chính làm nồi hơi bị phá hủy nhanh chóng là do công tác kiểm tra, bảo trì không đảm bảo khi vận hành nồi hơi.

Để lò hơi được vận hành an toàn và hiệu quả thì công tác kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ lò hơi là rất quan trọng. Dưới đây là các khuyến nghị cho công tác kiểm tra và bảo trì, bảo dưỡng nồi hơi định kỳ hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, nửa năm và hằng năm.

Nội dung kiểm ra, bảo trì khi vận hành nồi hơi hằng ngày

Nồi hơi, lò hơi là thiết bị có nhiều mối nguy hiểm xuất hiện khi vận hành. Một sai sót nhỏ có thể dẫn đến nồi hơi bị phá hủy một cách nhanh chóng thậm chí gây nổ. Vì vậy, người vận hành phải có kế hoạch kiểm tra và bảo trì lò hơi hằng ngày.

Công tác kiểm tra và bảo trì khi vận hành nồi hơi hằng ngày cần chú ý đến:

  • Công tác xả đáy để loại bỏ cặn bẩn và tạp chất có hại trong lò hơi

  • Xả nước trong ống thủy tối (thước đo mức nước) để kiểm tra tình trạng kỹ thuật. Nên mở van khóa từ từ tránh làm hỏng phao.

  • Theo dõi nhiệt kế và áp kế thường xuyên đặc biệt lúc ở trạng thái vận hành ổn định. Đánh giá sự phù hợp các chỉ số nhiệt độ, áp suất với công suất của lò hơi.

  • So sánh chênh lệch nhiệt độ của hơi (nồi hơi) và khói thải để xác định tính hiệu quả của nồi hơi. Một lò hơi dang vận hành tốt thì sự chênh lệch này nằm trong khoảng 50 - 100 oC

  • Kiểm tra tác động của van an toàn

  • Kiểm tra hệ thống cung cấp nhiên liệu thường xuyên (bơm dầu, van điều áp và áp suất gas …)

  • Kiểm tra nhiệt độ của bộ gia nhiệt cho nước cấp để đảm bảo nước cấp được đưa vào lò hơi phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật.

  • Quan sát sự ổn định của ngọn lửa bên trong buồng đốt thông qua kính quan sát.

  • Kiểm tra chất làm mềm nước cấp, chất khử, hệ thống cấp hóa chất và những thiết bị liên quan nhằm đảm bảo hàm lượng các chất xử lý đưa vào nước cấp có nồng độ phù hợp.

  • Lấy mẫu nước cấp thường xuyên và so sánh với các yêu cầu kỹ thuật đã đưa ra.

Hình 1: Xả đáy để loại bỏ cặn bẩn và tạp chất trong nồi hơi

An toàn vận hành nồi hơi

Nội dung kiểm tra, bảo trì nồi hơi hằng tuần

Nội dung công tác kiểm tra, bảo trì lò hơi hằng tuần cần phải thực hiện:

  • Vận hành nồi hơi ở chế độ cạn nước để kiểm tra hệ thống tự động ngắt nhiên liệu khi nước bên trong lò hơi xuống dưới mức quy định.

  • Kiểm tra vị trí chỉ thị của đồng hồ đo mức nước, ống thủy tối ở mức nước thấp nhất cho phép.

  • Kiểm tra vận hành của các van trên hệ thống cấp nhiên liệu

  • Kiểm tra hệ thống định vị trên đầu đốt. Nếu có thể, hãy kiểm tra ăn mòn, trượt và trễ

  • Xem xét hoạt động của các thiết bị điều khiển tự động tương ứng với các thông số đã cài đặt

  • Bật tắt bộ phận đánh lửa để kiểm tra thời gian tắt của đầu đốt có đảm bảo yêu cầu hay không

  • Kiểm tra hệ thống tính hiệu báo động cạn nước

  • Xem xét tình trạng vận hành của các động cơ (máy bơm) chú ý đến các tiếng động bất thường và tình trạng rung lắc

  • Kiểm tra rò rỉ nhiên liệu, nước và hơi nước, khí thải

  • Kiểm tra hoạt động của rơ le áp suất của thiết bị cấp gió

Kiểm tra, bảo dưỡng nồi hơi định kỳ hằng tháng

Hằng tháng, người vận hành nồi hơi, lò hơi cần có kế hoạch kiểm tra các thiết bị sau:

  • Kiểm tra bộ khuếch tán nhiên liệu của đầu đốt xem có biến dạng, cháy hoặc nứt không

  • Kiểm tra thiết bị mồi lửa

  • Kiểm tra toàn bộ bên trong và bên ngoài lò hơi để phát hiện các biến dạng bất thường

  • Kiểm tra cáu cặn ở các bồn chứa nước cấp, nước ngưng

Kiểm tra, bảo trì nồi hơi định kỳ 06 tháng

Định kỳ 06 tháng người vận hành lò hơi hoặc đơn vị bảo trì cần thực hiện công tác kiểm tra nồi hơi ở các nội dung sau:

  • Ngắt kết nối lò hơi với hệ thống. Kiểm tra và bảo trì các van cũng như các mối ghép bích

  • Hãy chú ý đến tình trạng bên ngoài của các dây dẫn, các ống công nghệ

  • Kiểm tra các thông số kỹ thuật của tất cả các máy bơm có trên hệ thống và thiết lập lại các thông số kỹ thuật bằng máy phân tích hàm lượng khí thải O2, CO và NOx.

Nội dung kiểm tra, bảo dưỡng nồi hơi định kỳ hằng năm

Hằng năm, người vận hành và đơn vị sử dụng cần có kế hoạch kiểm tra và bảo trì một cách toàn diện nhằm đảm bảo an toàn và liên tục khi vận hành nồi hơi.

Hình 2: Siêu âm kiểm tra ăn mòn trên mặt sàng của nồi hơi

Siêu âm kiểm tra ăn mòn trên mặt sàng của nồi hơi

  • Ngưng vận hành nồi hơi, mở nắp và cửa người chui để kiểm tra các biểu hiện bất thường trên các bộ phận của nồi hơi

  • Kiểm tra an toàn hệ thống điện (điện trở cách điện, điện trở nối đất …)

  • Kiểm tra vật liệu chịu lửa. Các vết nứt trong cách điện vật liệu chịu lửa từ 1/8 hoặc ít hơn là ổn

  • Kiểm tra lớp bọc bảo ôn, cách nhiệt

  • Kiểm tra cáu cặn, các biến dạng trên bề mặt của ống lò, ống lửa

  • Kiểm tra ăn mòn các bộ phận bên trong lò hơi. Có thể bổ sung các phương pháp kiểm tra không phá hủy - NDT để kiểm tra các khuyết tật bên trong kim loại và mối hàn.

  • Kiểm tra và thử nghiệm các van khóa trên hệ thống cấp nhiên liệu

  • Kiểm tra và thử nghiệm van an toàn ở áp suất đặt theo quy định của nhà sản xuất hoặc theo các tiêu chuẩn an toàn

  • Kiểm tra hệ thống điện trên bảng điều khiển, đảm bảo chúng được đấu nối và hoạt động theo đúng yêu cầu kỹ thuật.

  • Kiểm tra các phụ kiện như thiết bị thu hồi nước cấp, bộ khử khí và hệ thống cấp liệu hóa học, nếu đây là một phần của hệ thống lò hơi.

  • Kiểm tra đường ống dẫn hơi nước nóng, ống khói thải

  • Kiểm định an toàn nồi hơi khi hết hạn kiểm định

Nếu năng lực của người vận hành không đáp ứng để thực hiện công việc bảo trì lò hơi, hãy liên hệ các đơn vị bảo trì có uy tính để thực hiện công việc này.

Các bài viết liên quan