Quy trình vận hành nồi hấp y tế, nồi hấp tiệt trùng
Quy trình vận hành nồi hấp y tế, nồi hấp tiệt trùng được Công ty Kiểm định & Thử nghiệm Sài Gòn (SITC) biên soạn dựa trên những kinh nghiệm từ hoạt động kiểm định nhằm giúp đơn vị sử dụng có cơ sở để xây dựng một quy trình vận hành an toàn.
Quy trình vận hành nồi hấp y tế, nồi hấp tiệt trùng được Công ty Kiểm định & Thử nghiệm Sài Gòn (SITC) biên soạn dựa trên những kinh nghiệm từ hoạt động kiểm định nhằm giúp đơn vị sử dụng có cơ sở để xây dựng một quy trình vận hành an toàn.
Tuy nhiên, để phù hợp với đặc điểm kỹ thuật từng loại nồi hấp cụ thể và thực tế sử dụng, đơn vị sử dụng cần phải xây dựng riêng cho mình một quy trình vận hành nồi hấp chi tiết hơn.
Kiểm tra nồi hấp trước khi vận hành
Trước khi vận hành nồi hấp y tế, nồi hấp tiệt trùng ... người vận hành thiết bị phải kiểm tra các nội dung sau:
Kiểm tra hệ thống điện cấp cho thiết bị để đảm bảo các chi tiết đấu nối đủ điều kiện về an toàn.
Kiểm tra các van khóa: Van xả đáy, van xả khí đang ở vị trí đóng.
Kiểm tra áp kế (thiết bị đo áp suất): Giá trị áp suất bên trong nồi hấp phải ở mức "0".
Đưa nước sạch vào nồi hấp ở mức quy định.
Cho sản phầm cần hấp, tiệt trùng vào nồi hấp.
Khóa nắp nồi hấp và đảm bảo nắp nồi hấp không bị bung ra trong quá trình vận hành.
Quy trình vận hành nồi hấp y tế, nồi hấp tiệt trùng
Sau công tác kiểm tra, đảm bảo chắc chắn thiết bị đủ điều kiện vận hành. Quy trình vận hành nồi hấp y tế, nồi hấp tiệt trùng được thực hiện theo các bước sau:
Đóng cầu dao điện chính và bật công tắc nồi hấp qua vị trí "Mở/ON"
Quan sát hoạt và lắng nghe các hiện tượng bất thường có thể có khi nồi hấp vận hành.
Quan sát quá trình tăng áp suất, nhiệt độ. Nếu quá trình tăng áp suất và nhiệt độ diễn ra bất thường thì phải ngưng thiết bị và tiến hành kiểm tra.
Khi áp suất và nhiệt độ đến mức quy định, kiểm tra các rơ le xem đã ngắt đúng theo mức đã cài đặt ban đầu hay chưa.
Kiểm tra hoạt động của van an toàn (nếu có). Nếu không hoạt động và không kín thì phải ngưng vận hành và canh chỉnh lại.
Tiến hành hấp theo quy trình.
Quy trình ngừng nồi hấp
Để ngừng nồi hấp khi kết thúc quá trình hấp hoặc ngừng khẩn cấp do có sự cố xảy ra (cạn nước, có hiện tượng bất thường), người vận hành phải thực hiện theo các bước sau:
Bật công tắc về vị trí "Đóng/OFF", cắt cầu dao điện của nguồn cấp vào nồi hấp.
Mở van xả hơi để xả hết hơi nước và nước cặn đến khi đồng hồ áp suất chỉ ở vị trí không "0"
Mở nắp nồi hấp và lấy sản phẩm ra.
Chú ý: Nếu phải ngừng thiết bị do sự cố thì phải tìm và khắc phục hoàn toàn mới được tiếp tục vận hành.
Những quy định khi sử dụng nồi hấp
Nồi hấp y tế, nồi hấp tiệt trùng là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn. Do đó đơn vị sử dụng thiết bị và người vận hành nồi hấp phải tuân thủ các quy định của Nhà nước như sau:
Phải thực hiện công tác kiểm định nồi hấp y tế, nồi hấp tiệt trùng trước khi đưa vào sử dụng và ngay sau khi hết thời hạn kiểm định đã được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định.
Người vận hành nồi hấp phải được huấn luyện an toàn.
Không được phép vận hành nồi hấp vượt quá các thông số đã được cấp trong giấy chứng nhận kiểm định.
Phải ngưng sử dụng nồi hấp trong các trường hợp sau:
Khi áp suất trong nồi hấp tăng quá mức cho phép.
Khi thiết bị đo lường, an toàn bị hư hỏng (áp kế, van an toàn, rơle, thước đo mức ...)
Khi các bộ phận chịu áp lực chính của nồi hấp có hiện tượng bất thường vết nứt, phồng, ăn mòn, rò rỉ .... hoặc khi nắp nồi hấp hay các bộ phận lắp xiết không đảm bảo.