
Hướng dẫn kiểm tra và bảo trì hệ thống chống rơi ngã cá nhân
SITC giới thiệu cách kiểm tra, bảo trì hệ thống chống rơi ngã cá nhân trên mái giúp đảm bảo an toàn lao động, kéo dài tuổi thọ hệ thống và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Giới thiệu về hệ thống chống rơi ngã cá nhân
Hệ thống chống rơi ngã cá nhân (Personal Fall Protection Systems – PFPS) là một phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho người lao động làm việc trên cao, đặc biệt là tại các vị trí nguy hiểm như mái nhà, giàn giáo, hoặc sàn công tác trên không. Hệ thống này bao gồm dây đeo an toàn, móc nối, dây buộc, neo cố định và thiết bị giảm chấn.
Việc kiểm tra và bảo trì định kỳ hệ thống PFPS là yếu tố then chốt để đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả, giảm thiểu rủi ro tai nạn lao động. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn chi tiết cách kiểm tra và bảo trì hệ thống chống rơi ngã cá nhân được lắp đặt trên mái nhà, đúng theo các tiêu chuẩn an toàn hiện hành.
Tại sao cần kiểm tra và bảo trì hệ thống chống rơi ngã cá nhân?
Xây dựng kế hoạch kiểm tra và bảo trì hệ thống chống rơi ngã cá nhân nhằm:
Đảm bảo hệ thống làm việc an toàn: Các bộ phận neo giữ, các liên kết cố định, dây treo, thiết bị hấp thụ năng lượng ... thường xuyên bị ăn mòn, rỉ sét và biến dạng dẫn đến khả năng bảo vệ an toàn của hệ thống không đạt yêu cầu.
Tuân thủ pháp luật: Định kỳ 06 (tháng), hệ thống chống rơi ngã cá nhân (PFPS) phải được kiểm tra, thử nghiệm định kỳ theo một quy trình nghiêm ngặt bởi những người và tổ chức có chuyên môn.
Gia tăng tuổi thọ thiết bị: Bảo trì đúng cách giúp hệ thống hoạt động lâu bền, tiết kiệm chi phí thay thế.
Ngăn ngừa sự cố nghiêm trọng: Kiểm tra giúp phát hiện sớm các dấu hiệu hư hỏng trước khi xảy ra tai nạn.
Lập kế hoạch kiểm tra hệ thống chống rơi ngã cá nhân
Trước khi sử dụng: Kiểm tra bằng mắt các dấu hiệu bất thường như mài mòn, gỉ sét, biến dạng tại các bộ phận liên kết và dây neo, móc nối, giảm chấn ...
Kiểm tra định kỳ trong quá trình sử dụng: Trong thời gian 06 tháng đến 1 năm, đơn vị sử dụng phải tiến hành kiểm tra và thử nghiệm kỹ thuật an toàn (có thử tải) toàn bộ hệ thống chống rơi ngã cá nhân bởi người có chuyên môn hoặc đơn vị có thẩm quyền
Kiểm tra bất thường: Sau khi có sự thay đổi, sửa chữa hoặc sau khi xảy ra sự cố rơi ngã, hoặc phát hiện có những bất thường nghiêm trọng. Đơn vị sử dụng cần phải dừng sử dụng và tiến hành kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ hệ thống. Tiến hành thử nghiệm kỹ thuật bởi những chuyên gia có kinh nghiệm.
Hướng dẫn kiểm tra hệ thống chống rơi ngã trên mái nhà
1. Kiểm tra trực quan
Dây đai và dây buộc: Quan sát xem có dấu hiệu rách, xơ, cháy nắng, nấm mốc hoặc bị cắt không.
Khóa, móc nối và bộ phận liên kết bằng kim loại: Kiểm tra xem có dấu hiệu gỉ sét, biến dạng, nứt gãy hoặc mất tính đàn hồi không.
Thiết bị giảm chấn: Kiểm tra xem bộ phận giảm chấn có bị bung, đứt chỉ may hoặc thay đổi hình dạng không.
2. Kiểm tra điểm neo và hệ thống lắp đặt trên mái
Đảm bảo điểm neo cố định chắc chắn, không bị lung lay, rạn nứt bê tông hay hư hỏng kết cấu mái.
Đối với mái kim loại, cần kiểm tra bu-lông, tấm đệm và lớp phủ có bị ăn mòn không.
Xem xét tình trạng các hệ thống ray, dây cáp, con trượt nếu có – đảm bảo chuyển động trơn tru và không kẹt.
3. Thử tải hệ thống
Công tác thử tải hệ thống chông rơi ngã cá nhân lắp cố định trên mái chỉ được tiến hành trong các trường hợp sau:
Định kỳ 06 tháng hoặc 1 năm
Sau khi có sửa chữa và thay thế các bộ phận chính của hệ thống
Khi có nghi ngờ về khả năng làm việc của hệ thống.
Việc thử nghiệm kỹ thuật cần phả được thực hiện bởi những tổ chức và cá nhân có chuyên môn, nhiều kinh nghiệm và phải tuân thủ theo một quy trình nhất định đã biên soạn.
Hướng dẫn bảo trì hệ thống chống rơi ngã cá nhân
Công tác bảo trì hệ thống cần tránh tổn hại đến các bộ phận và không tăng nguy cơ ăn mòn, rỉ sét trong quá trình sử dụng.
1. Làm sạch thiết bị
Dây đai và dây buộc: Dùng bàn chải mềm và nước xà phòng nhẹ để làm sạch. Không dùng dung môi mạnh hoặc chất tẩy công nghiệp.
Bộ phận kim loại: Lau sạch bằng khăn khô và bôi trơn nếu cần thiết (đảm bảo không làm trơn bề mặt móc).
2. Bảo quản thiết bị
Treo thiết bị ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp hoặc nhiệt độ cao.
Tránh tiếp xúc với hóa chất, dầu mỡ, hoặc vật sắc nhọn trong quá trình lưu trữ.
3. Ghi chép hồ sơ kiểm tra
Mỗi lần kiểm tra cần được ghi lại vào nhật ký hoặc phần mềm quản lý thiết bị.
Bao gồm: ngày kiểm tra, tên người kiểm tra, tình trạng thiết bị, hành động khắc phục nếu có.
Một số lưu ý khi sử dụng hệ thống chống rơi trên mái nhà
Không sử dụng quá tải quy định của hệ thống
Luôn sử dụng dây chống rơi đúng cách, móc vào điểm neo trước khi bước lên mái.
Không sử dụng thiết bị quá hạn sử dụng hoặc bị lỗi kỹ thuật.
Đào tạo nhân viên về cách sử dụng, kiểm tra và ứng phó khi có sự cố.
Kết luận
Hệ thống chống rơi ngã cá nhân đóng vai trò sống còn trong việc bảo vệ tính mạng người lao động khi làm việc trên cao. Việc kiểm tra và bảo trì định kỳ không chỉ là yêu cầu bắt buộc theo quy định pháp luật mà còn là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp và cá nhân trong công tác an toàn lao động. Hãy đảm bảo rằng hệ thống của bạn luôn trong tình trạng sẵn sàng, vận hành hiệu quả và đáng tin cậy.