Bảo trì thang máy

Những vấn đề cần lưu ý trong kiểm định thang máy

Thang máy thuộc nhóm thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Các cá nhân, tổ chức sử dụng phải thực hiện kiểm định an toàn theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

Kiểm định thang máy là hoạt động bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng thang máy. Các cá nhân, tổ chức có liên quan đến công tác vận hành, quản lý, sử dụng thang máy cần phải lưu ý những vấn đề sau:

  • Quy trình kiểm định thang máy được thực hiện như thế nào?

  • Hồ sơ kiểm định thang máy gồm những gì?

  • Thời hạn, thời điểm kiểm định thang máy?

  • Tổ chức, cá nhân nào được phép kiểm định thang máy?

  • Chi phí kiểm định thang máy là bao nhiêu?

Quy trình kiểm định thang máy

Quy trình kiểm định thang máy có số hiệu QTKĐ 02-2021/BLĐTBXH đã được Bộ LĐTBXH ban hành theo Thông tư số 12/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 09 năm 2021. Phạn vi áp dụng của quy trình kiểm định này bao gồm:

  • Các tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.

  • Các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng, sở hữu thang máy.

  • Các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Khi thực hiện kiểm định thang máy. Kiểm định viên phải thực hiện đầy đủ các bước sau:

  1. Kiểm tra hồ sơ, lý lịch thang máy: Kiểm định viên xem xét và đánh giá sự phù hợp với các Quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành và thực tế thiết bị.

  2. Kiểm tra kỹ thuật: Là hoạt động kiểm tra tính đầy đủ và động bộ của thang máy. Phát hiện các khuyết tật, biến dạng, các biểu hiện bất thường của các chi tiết, bộ phận (giếng thang, cabin, máy kéo, cáp ....). Tính đầy đủ và khả năng làm việc của các cơ cấu an toàn, bảo vệ thang máy khi có sự cố. Kết quả đạt yêu cầu khi thiết bị hoạt động theo đúng tính năng thiết kế, không phát hiện các hiện tượng bất thường.

  3. Thử tải kỹ thuật: Hoạt động thang máy phải được thử nghiệm ở các chế độ không tải, 100% tải trọng định mức và 125% tải trọng định mức (tải trọng thiết kế hoặc tải trọng làm việc lớn nhất cho phép).

Các bước kiểm định này phải được thực hiện đầy đủ và phải thực hiện theo tuần tự nêu trên. Chỉ được thực hiện bước tiếp theo khi kết quả kiểm tra trước đó đạt yêu cầu.

Hồ sơ kiểm định thang máy

Kết quả kiểm tra đạt yêu cầu khi thang máy có đầy đủ và đồng bộ các chi tiết, bộ phận cấu thành theo quy định, được lắp đặt theo đúng thiết kế, không phát hiện các hư hỏng, khuyết tật hay hiện tượng bất thường và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đã đưa ra.

Theo quy trình kiểm định, hồ sơ kiểm định hợp lệ phải bao gồm:

  1. Biên bản kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy được kiểm định viên lập theo mẫu mà quy trình kiểm định đã ban hành. Biên bản kiểm định có hiệu lực khi có sự xác nhận của người chứng kiến quá trình kiểm định và xác nhận của người đại diện của đơn vị sử dụng.

  2. Tem kiểm định: Khi kết quả kiểm định thang máy đạt yêu cầu kỹ thuật an toàn, kiểm định viên dán tem kiểm định cho tại vị trí dễ quan sát.

  3. Giấy chứng nhận kiểm định: Tổ chức kiểm định nhập kết quả kiểm định vào cơ sở dữ liệu Quốc gia để in Giấy chứng nhận kết quả kiểm định. Chỉ những Giấy chứng nhận kiểm định có mã QR do Nhà nước cấp mới hợp lệ.

  4. Biên bản kiến nghị: Kiểm định viên lập biên bản kiến nghị khi thang máy có kết quả kiểm định không đạt các yêu cầu, trong đó phải ghi rõ lý do thang máy không đạt yêu cầu kiểm định, kiến nghị cơ sở khắc phục và thời hạn thực hiện các kiến nghị đó. Sau khi đơn vị khắc phục xong các kiến nghị, thang máy phải được kiểm định thực hiện kiểm định lại mới được dán tem và cấp giấy chứng nhận kiểm định để đưa vào sử dụng.

Thời hạn kiểm định thang máy

Thang máy được kiểm định trong các trường hợp sau:

  • Sau khi lắp đặt, trước khi đưa vào sử dụng

  • Khi hết thời hạn được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định

  • Sau khi cải tạo, nâng cấp, thay thế, sửa chữa

Thời hạn kiểm định thang máy được quy định như sau:

  • Đối với thang máy lắp đặt tại các tòa nhà chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại, bệnh viện, khách sạn, nhà máy sản xuất hay tại khu vực công cộng là hai (02) năm một lần.

  • Thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ đối với thang máy lắp đặt tại các công trình khác với công trình nêu trên là ba (03) năm một lần.

  • Thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ đối với các thang máy đã có thời hạn sử dụng trên 15 năm là một (01) năm một lần.

  • Dựa trên tình trạng của thiết bị, thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn có thể được rút ngắn do kiểm định viên quyết định trên cơ sở thống nhất với tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc quản lý thang máy. Trong trường hợp rút ngắn thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn, kiểm định viên thực hiện kiểm định phải ghi rõ lý do rút ngắn vào biên bản kiểm định.

Quy định về tổ chức, kiểm định viên hoạt động kiểm định thang máy

Lĩnh vực kiểm định kỹ thuật an toàn là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Chỉ những tổ chức, cá nhân đã được Nhà nước chỉ định mới được phép kiểm định thang máy.

  • Giấy phép kiểm định của Nhà nước cấp cho tổ chức kiểm định, chứng chỉ kiểm định viên có thời hạn 5 năm. Tổ chức kiểm định, kiểm định viên chỉ hoạt động trong phạm vi cho phép và trong thời hạn giấy phép có hiệu lực.

  • Có đầy đủ thiết bị, dụng cụ kiểm tra, trang thiết bị BHLĐ mà quy trình kiểm định đã yêu cầu.

  • Lập phương án kiểm định, các giải pháp đảm bảo an toàn trong quá trình kiểm tra.

Ngoài ra, để có kết quả kiểm định tin cậy, khách quan, hiệu quả. Đơn vị sử dụng cần lựa chọn tổ chức kiểm định, kiểm định viên có nhiều kinh nghiệm.

Chi phí kiểm định thang máy

Ngày 11 tháng 11 năm 2016, Nhà nước ban hành Thông tư số 41/2016/TT-BLĐTBXH Quy định giá tối thiểu đối với dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn. Chi phí kiểm định thang máy được xác định dựa trên số điểm dừng. Ngoài ra, chi phí kiểm định thang máy còn phụ thuộc số lượng thiết bị yêu cầu kiểm tra và địa điểm kiểm tra. Hãy liên hệ với Công ty Kiểm định & Thử nghiệm Sài Gòn (SITC) để được tư vấn thêm.

Các bài viết liên quan