Những quy định trong công tác lắp đặt, bảo trì và sửa chữa thang máy
Thang máy là thiết bị thuộc danh mục có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Công tác lắp đặt, bảo trì và sửa chữa thang máy phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định mà Nhà nước đã ban hành.
Để thang máy được vận hành an toàn và ổn định. Công tác lắp đặt, bảo trì và sửa chữa phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật an toàn thang máy. Dưới đây là các quy định mà các tổ chức, cá nhân liên quan đến quá trình lắp đặt và bảo trì phải thực hiện.
Các quy định đối với đơn vị lắp đặt, bảo trì, sửa chữa thang máy
Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực lắp đặt, bảo trì và sữa chữa thang máy phải tuân thủ các quy định của pháp luật như sau:
Phải bố trí người am hiểu về nguyên lý cấu tạo của thang máy, được huấn luyện về an toàn lao động và nắm bắt được các kỹ năng để thực hiện các công việc liên quan đến việc lắp đặt, bảo trì và sửa chữa thang máy.
Phải tuân thủ các quy định tại QCVN 02:2019/BLĐTBXH và đảm bảo an toàn trong quá trình lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa thang máy
Phải có sổ phân công, theo dõi việc lắp đặt, bảo trì (trong đó thể hiện được tên người chịu trách nhiệm, nội dung công việc, thời gian thực hiện).
Lập phương án an toàn trước khi thi công, sửa chữa, bảo trì thang máy
Phải đặt các biển cảnh báo, biển chỉ dẫn hoặc rào chắn để ngăn ngừa những người không có thẩm quyền tiếp cận vào khu vực đang thực hiện công việc lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng hoặc sửa chữa thang máy.
Ghi chép về những nội dung kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì vào lý lịch của thang máy
Xuất trình đầy đủ chứng từ về nguồn gốc, xuất xứ, chứng nhận hợp quy chuẩn và các báo cáo kiểm tra, thử nghiệm của các linh kiện, vật tư lắp đặt, thay thế.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý thang máy
Thang máy trong quá trình sử dụng phải được bảo trì định kỳ ít nhất 03 (ba) tháng một lần. Đối với các thang máy được lắp đặt tại các căn hộ chung cư, các tòa nhà văn phòng, tòa nhà trung tâm thương mại, bệnh viện, khách sạn, nhà máy sản xuất, khu vực công cộng (như sân bay, nhà ga…) thì thời hạn bảo trì định kỳ ít nhất 01 (một) tháng một lần.
Tổ chức, cá nhân quản lý thang máy phải đảm bảo rằng thang máy phải được kiểm định, bảo trì định kỳ theo quy định của QCVN 02:2019/BLĐTBXH và phải đảm bảo các điều kiện an toàn trước khi đưa thang máy vào hoạt động.
Phối hợp với đơn vị lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa trong việc cung cấp thông tin, các hồ sơ, tài liệu, các điều kiện để đơn vị lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa thực hiện.
Lưu các hồ sơ, biên bản liên quan đến kết quả của công việc bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa hoặc thay thế các linh kiện, bộ phận của thang máy.
Các chế độ kiểm định thang máy
Thang máy trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định lần đầu, kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng, hoặc kiểm định bất thường (khi thay đổi thiết kế hoặc sửa chữa lớn) theo quy trình kiểm định do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành đạt yêu cầu và được gắn tem kiểm định tại cabin của thang máy.