Quy chuẩn kỹ thuật đối với thang máy gia đình
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với Thang máy gia đình đã được BLĐTBXH ban hành vào ngày 12/10/2018 có số hiệu QCVN 32:2018/BLĐTBXH. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, lắp đặt, bảo trì, sửa chữa, kiểm định và sử dụng thang máy gia đình có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định tại Quy chuẩn này.
Thang máy gia đình là thang máy điện được điều khiển tự động, lắp đặt cố định, chỉ sử dụng để vận chuyển người, phục vụ những tầng dừng xác định, được dẫn hướng theo phương thẳng đứng hoặc theo phương lệch với phương thẳng đứng một góc tối đa 15°, với kích thước sàn cabin, vận tốc định mức và hành trình nâng như sau:
Vận tốc định mức của cabin thang máy không vượt quá 0,3m/s.
Diện tích hữu ích sàn cabin không lớn hơn 1,6 m2 và kích thước các cạnh của sàn cabin không nhỏ hơn 0,6 m.
Hành trình nâng của cabin không lớn hơn 15 m.
Các quy định về kỹ thuật đối với thang máy gia đình
Ngoài việc tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật được quy định tại TCVN 6395:2008 (trừ quy định tại các mục: 4.6.3.5, 5, 6.3.1, 7.1, 7.2, 7.4.2, 8.6, 10.8, 11.8.1.4 của TCVN này). Thang máy gia đình phải đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật mà như sau:
Tải định mức không nhỏ hơn 200 kg trên một mét vuông của sàn cabin và chịu được tối thiểu là 115 kg.
Khi cabin dừng ở tầng thấp nhất, khoảng hở từ giảm chấn cabin đến phần thấp nhất của sàn cabin không nhỏ hơn 25 mm và không lớn hơn 75 mm.
Khoảng không gian dưới cabin còn lại trong hố thang phải chứa được một khối chữ nhật nhỏ nhất là 1370 mm x 450 mm x 600 mm hoặc 600 mm x 500 mm x 1290 mm.
Khoảng hở giữa ngưỡng cửa cabin và ngưỡng cửa tầng theo phương ngang không lớn hơn 30mm.
Chiều cao thông thủy của cửa tầng không được nhỏ hơn 1850 mm.
Chiều rộng thông thủy của cửa tầng không được lớn hơn 0,050 m cho cả hai bên so với chiều rộng cửa cabin.
Chiều cao thông thủy khoang cửa vào cabin không nhỏ hơn 1850 mm.
Chiều cao trong lòng cabin không được nhỏ hơn 2,0 m.
Cáp thép sử dụng phải có chứng chỉ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng của nhà sản xuất cáp và phải được chứng nhận đạt yêu cầu về độ an toàn của cáp.
Thang máy phải có hệ thống cứu hộ bằng tay và hệ thống cứu hộ bằng điện để có thể sử dụng linh hoạt trong quá trình cứu hộ thang máy khi gặp sự cố.
Quy định về quản lý thang máy gia đình
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với Thang máy gia đình (QCVN32-2018/BLĐTBXH) quy định về các hồ sơ mà đơn vị lắp đặt phải bàn giao cho đơn vị sử dụng như sau:
Hồ sơ về kỹ thuật của thang máy bao gồm (Thuyết minh kỹ thuật, các chứng chỉ/báo cáo thử nghiệm, các bản vẽ kỹ thuật, chứng nhận hợp quy chuẩn, ...)
Hồ sơ về đơn vị lắp đặt, bảo trì, sữa chữa (Có tư cách pháp nhân, được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực này theo quy định của pháp luật).
Quy trình cứu hộ khi xảy ra sự cố.
Quy trình bảo dưỡng, bảo trì thích hợp.
Hồ sơ kiểm tra kỹ thuật và hồ sơ nghiệm thu thang máy sau lắp đặt (Tải trọng làm việc cho phép, tốc độ làm việc và kích thước lắp ráp, độ chính xác dừng tầng, mức độ làm việc ổn định của các cơ cấu an toàn, hệ thống điều khiển. Thông số kỹ thuật khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất nếu có).
Hồ sơ kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy gia đình theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, đơn vị sử dụng phải thực hiện công tác bảo dưỡng định kỳ không quá 03 tháng một lần và phải thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy theo đúng thời hạn nêu trong giấy chứng nhận kiểm định.
Kiểm định thang máy gia đình
Thang máy gia đình trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định lần đầu, kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng, hoặc kiểm định bất thường theo quy trình kiểm định do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và được dán tem kiểm định theo quy định.
Việc kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy phải do tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn lao động được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định.
Chu kỳ kiểm định định kỳ đối với thang máy được xác định như sau:
Chu kỳ kiểm định là không quá 03 năm một lần đối với các thang máy làm việc trong điều kiện làm việc bình thường.
Chu kỳ kiểm định là không quá 02 năm một lần đối với các thang máy đã sử dụng trên 10 năm.
Thời hạn kiểm định có thể rút ngắn hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc đơn vị sử dụng yêu cầu.
Tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn lao động có thể rút ngắn thời hạn kiểm định nhưng phải nêu rõ lý do trong biên bản kiểm định về các vấn đề kỹ thuật đảm bảo an toàn của thang máy trong quá trình sử dụng.
Liên hệ kiểm định thang máy gia đình
Đơn vị sử dụng có thể liên hệ với SITC để thực hiện công tác kiểm định thang máy gia đình theo thông tin dưới đây:
Công ty Kiểm định & Thử nghiệm Sài Gòn (SITC)
Địa chỉ liên hệ: 26 Đường Giải Phóng, Phường 4, Quận Tân Bình, Tp. HCM
Điện thoại: 028 66760055, 0918711674 (Zalo), Email: info@kiemdinhsitc.com