Quy trình vận hành nồi hơi (lò hơi) đốt dầu
Nồi hơi (lò hơi) là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động. Do đó, đơn vị sử dụng phải xây dựng cho mình một quy trình vận hành để đảm bảo nồi hơi được hoạt động an toàn và hiệu quả.
Nồi hơi (lò hơi) là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động. Do đó, đơn vị sử dụng phải xây dựng cho mình một quy trình vận hành để đảm bảo nồi hơi được hoạt động an toàn và hiệu quả.
Bằng kinh nghiệm từ hoạt động kiểm định nồi hơi (lò hơi), SITC xin đưa ra gợi ý để đơn vị sử dụng tham khảo trong việc xây dựng quy trình vận hành nồi hơi cho mình.
Yêu cầu chung khi vận hành nồi hơi (lò hơi)
Nồi hơi (lò hơi) đốt dầu là thiết bị làm việc ở áp suất và nhiệt độ cao. Chỉ vận hành thiết bị khi thỏa mãn các điều kiện bắt buộc sau:
Chỉ vận hành nồi hơi (lò hơi) khi thiết bị đã được kiểm định kỹ thuật an toàn bởi các tổ chức kiểm định đã được Nhà nước cấp phép.
Không được phép vận hành nồi hơi vượt quá thông số được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định nồi hơi.
Chỉ những người đã được đào tạo và có có chứng chỉ về vận hành nồi hơi mới được phép vận hành.
Quy trình vận hành nồi hơi (lò hơi) đốt dầu
Các bước thực hiện trong quy trình này được biên soạn cho nồi hơi (lò hơi) đốt dầu dạng ống lò, ống lửa nằm ngang có công suất 1800 kg/hr.
Bước 1: Chuẩn bị trước khi vận hành
Trước khi vận hành, người vận hành phải kiểm tra tổng thể thiết bị với các nội dung sau:
Kiểm tra toàn bộ hệ thống điện, nước, dầu, gas.
Kiểm tra mức dầu trong bồn nhiên liệu.
Kiểm tra mức nước trong bồn nước và chất lượng nước.
Mở các van của đường hút và cấp dầu, van trên đường hút và cấp nước, van gas mồi.
Kiểm tra mực nước trong nồi hơi, các hệ thống đo lường, chỉ thị, vệ sinh tế bào quang điện, cửa quan sát.
Kiểm tra các hệ thống an toàn của nồi hơi.
Mở CB tổng (Circuit Bkeaker) từ vị trí (OFF) sang vị trí (ON) cấp điện nguồn
Bước 2: Vận hành bơm nước
Bơm nước cấp của nồi hơi làm việc theo chế độ tự động do tủ điều khiển chỉ thị, bơm nước ngừng hoạt động khi mực nước trong nồi hơi vừa đủ.
Việc chạy bơm nước bằng tay được thực hiện trong các trường hợp:
Thay nước khi cần làm vệ sinh nồi hơi.
Cấp nước nhanh khi hệ thống cấp nước tự động bị hư hỏng.
Công nhân vận hành cần theo dõi tín hiệu báo sự cố và hệ thống chỉ thị mực nước để vận hành bơm nước dự phòng khi cần thiết.
Bước 3: Vận hành bơm dầu để cấp dầu cho bồn trung gian
Bơm dầu chính đặt ở phía đầu bồn dầu chính, làm việc theo chế độ tự động, điều khiển bằng phao báo nước đặt tại bồn dầu trung gian.
Việc chạy bơm bằng tay, chỉ thực hiện khi hệ thống bơm tự động bị hư hỏng, công nhân vận hành cần theo dõi mức dầu của bồn trung gian để tránh xảy ra trường hợp thiếu dầu hoặc đầy tràn dầu.
Bước 4: Vận hành bơm dầu trung gian
Mở công tắc hâm dầu để bộ hâm nóng dầu hoạt động.
Khi nhiệt độ dầu tại phía gần bộ hâm đạt 60 0C, cho bơm dầu trung gian hoạt động, mục đích làm cho dầu trong đường ống nội bộ được hâm nóng đồng đều.
Bộ hâm dầu sẽ ngừng hoạt động nếu nhiệt độ dầu trong bồn trung gian đạt nhiệt độ đặt trước (có thể điều chỉnh nhiệt độ này). Nhiệt độ đặt của bộ hâm trung gian thường khoảng 60 -70 0C.
Bước 5: Khởi động nồi hơi
Mở công tắc chính (CB) từ vị trí (OFF) sang vị trí (ON), đèn báo nguồn bật sáng, các tín hiệu sự cố báo cho công nhân vận hành biết để xứ lý. Lúc này:
Nếu nước trong nồi hơi thấp, đèn báo cạn nước sáng, còi kêu.
Nếu nhiệt độ hâm dầu cao, đèn báo nhiệt độ dầu cao sáng, còi kêu.
2. Xử lý các sự cố ban đầu bằng cách:
Kích hoạt chế độ chạy tay cho bơm nước, bơm nước sẻ hoạt động cung cấp đủ nước cho nồi hơi, khi nước đạt yêu cầu đèn (O) sẽ tắt.
Tắt bộ hâm dầu đồng thời cho bơm dầu trung gian chạy ở chế độ chạy tay để trộn dầu có nhiệt độ dầu cao lẫn với dầu nguội.
Chú ý: Tắt các còi báo bằng công tắc
3. Khởi động nồi hơi:
Khi các đèn báo sự cố tắt hết, nồi hơi sẵn sàng hoạt động ở chế độ đốt tự động.
Mở công tắc của bơm nước, bơm dầu về vị trí chạy tự động.
Ấn nút (O) sự đốt tự động bắt đầu chu trình.
Khi đó xảy ra các quá trình sau:
Quạt gió tự khởi động thực hiện chế độ thông gió buồng đốt, bơm dầu cũng tự khởi động.
Sau 15 giây thông lò, tự động đánh lửa ( việc đánh lửa chỉ xảy ra 5s), đồng thời van điện từ mở cấp gas cho béc mồi và cấp dầu cho béc đốt, đèn (O) bật sáng, nồi hơi đang đốt ở chế độ 1 (đốt nhỏ).
Sau 2s: nếu cháy, đèn báo (O) bật sáng, van từ mở cấp thêm dầu cho béc đốt ở chế độ 2 (đốt to). Kiểm soát ngọn lửa bằng tế bào quang điện (mắt thần) . Nếu không cháy, đèn sự cố (O) bật sáng, còi kêu. Khi đó ấn nút khởi động cho nồi hơi hoạt động lập lại chu trình từ đầu.
Chuyển chế độ đốt của nồi hơi
Khi áp suất gần đạt định mức, nồi hơi chuyển sang chế độ đốt nhỏ, đèn báo cháy (O) chế độ 2 tắt.
Khi áp suất vượt quá định mức, nồi hơi ngưng hoạt động, đèn báo cháy (O) chế độ 1 tắt. Khi đó áp suất hơi đạt giá trị lý thuyết (đạt định mức), đèn báo ngưng áp suất (O) sáng.
Khi bên sử dụng hơi không tăng giảm đột ngột (do bên sử dụng đều đặn) chế độ đốt của nồi hơi có thể ổn định ở chế độ 1 hoặc chế độ 2.
Bước 6: Ngừng nồi hơi
Xoay công tắc từ vị trí (ON) sang vị trí (OFF).
Tắt bơm dầu trung gian, đóng các van trên đường hút và đẩy.
Tắt bơm nước trung gian (nếu có), đóng các van trên đường hút và đẩy.
Tắt bơm dầu cung cấp dầu cho bồn trung gian.
Hạ cầu dao điện (CB tổng) ngưng cung cấp điện cho tủ điều khiển.
Kiểm tra lại toàn bộ, vệ sinh thiết bị, ghi sổ theo dõi vận hành.
Làm các thủ tục bàn giao ca tại chỗ.
Nếu nghỉ sản xuất phải giảm áp suất hơi trong nồi hơi về 0, bằng cách xả đáy kết hợp với bơm nước.
Các lưu ý trong quá trình vận hành nồi hơi
Trong quá trình nồi hơi đang hoạt động, nhân viên vận hành thường xuyên theo dõi các tín hiệu báo hiệu sự cố để xử lý kịp thời. Ngoài ra còn phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra các bộ phận sau:
Bộ phận chỉ thị mực nước.
Bộ phận cung cấp dầu trung gian.
Các thiết bị đo lường (áp kế, nhiệt kế ...)
Các thiết bị an toàn (van an toàn, rơ le áp suất ...)
Kiểm tra các van khóa trên đường cấp hơi
Các tiếng động hay biến dạng bất thường xuất hiện trong quá trình vận hành.