Bảo trì thang máy

Các vấn đề cần lưu ý trong hoạt động bảo trì thang máy

Công tác bảo trì thường xuyên, đúng cách sẽ nhằm đảm bảo thang máy hoạt động bình thường, liên tục và an toàn, giảm nguy cơ tai nạn và thương tích.

Bảo trì là hoạt động quan trọng nhất trong quá trình vận hành và sử dụng thang máy. Công tác bảo trì thang máy mang lại các lợi ích sau:

  • An toàn: Bảo trì thang máy thường xuyên, đúng cách nhằm đảm bảo thang máy được vận hành an toàn, ngăn ngừa các tại nạn có thể xảy ra.

  • Tin cậy: Đảm bảo thang máy được hoạt động liên tục, loại bỏ các sự cố ngừng bất thường làm dán đoạn quá trình vận hành. Làm yên tâm cho người sử dụng.

  • Hiệu quả: Thang máy được bảo trì đúng cách sẽ tiết kiệm năng lượng hơn, tăng thời gian sử dụng. Bảo trì thường xuyên có thể giúp phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn trong tương lai.

Bằng kinh nghiệm trong hoạt động kiểm định thang máy, SITC xin chia sẽ những vấn đề chính cần lưu ý trong hoạt động bảo trì thang máy như sau.

Tần suất bảo trì thang máy

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 32:2018/BLĐTBXH về An toàn lao động đối với thang máy gia đình và QCVN02:2019/BLĐTBXH về an toàn lao động đối với thang máy quy định: Thang máy trong quá trình sử dụng phải được bảo dưỡng định kỳ không quá 03 tháng một lần. Giữa các lần bảo dưỡng phải thực hiện kiểm tra, kịp thời xử lý những mối nguy hiểm có thể xảy ra.

Đối với những thang máy lắp đặt tại những công trình có tần suất sử dụng cao và đặc biệt (siêu cao tầng, thang máy chở bệnh nhân ...) thì công tác bảo trì thang máy có thể thực hiện 1 lần/tháng nhằm đảm bảo tính liên tục khi vận hành.

Nội dung công tác bảo trì thang máy

Hoạt động bảo trì thang máy là tổ hợp các biện pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo thang máy luôn hoạt động an toàn và hiệu quả. Khi bảo trì thang máy cần xem xét các nội dung sau:

  • Kiểm tra và làm vệ sinh buồng máy.

  • Kiểm tra giếng thang và phía trên cabin (thiết bị dừng khẩn cấp, giới hạn hành trình trên và dưới, các liên kết chính của ray và các kết cấu xây dựng)

  • Kiểm tra đáy giếng thang và phía dưới cabin (bộ giảm chấn, cơ cấu an toàn, bao che đối trọng, giảm chấn, ngập nước)

  • Kiểm tra và bảo dưỡng trong cabin.

  • Kiểm tra và bảo dưỡng ngoài cửa tầng (Các tiếp điểm an toàn, khe hở cửa tầng)

  • Hệ thống dẫn động (Máy kéo, ray dẫn hướng, cáp)

  • Hệ thống điện

  • Hệ thống an toàn, báo quá tải, cứu hộ, thông tin liên lạc

  • Vận hành thang máy và bàn giao hồ sơ bảo trì cho đơn vị quản lý và sử dụng thang máy

Lựa chọn đơn vị bảo trì thang máy

Để đánh giá, chọn lựa một đơn vị bảo trì thang máy phù hợp cần xem xét các vấn đề sau:

  • Có tư cách pháp nhân, được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực này theo quy định của pháp luật.

  • Có đủ cán bộ kỹ thuật đã được đào tạo kỹ thuật chuyên ngành. Có đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, được huấn luyện và cấp thẻ an toàn theo quy định.

  • Có các biện pháp an toàn cho quá trình bảo trì, sửa chữa.

  • Hồ sơ quản lý, phân công nhân sự tham gia bảo trì. Hồ sơ bảo trì thang máy có đầy đủ nội dung và hạng mục kiểm tra chi tiết, rõ ràng.

  • Khả năng đáp ứng kịp thời khi có yêu cầu

  • Kinh nghiệm làm việc với thang máy đang cần bảo trì

  • Kế hoạch cung cấp vật tư, thiết bị cần thay thế

  • Năng lực tài chính đảm bảo để khắc phục thiệt hại khi xảy ra sự cố

  • Chi phí bảo trì và chi phí thay thế sửa chữa, thay thế thiết bị.

Các bài viết liên quan